Bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn một chút kinh nghiệm chọn giày để đánh bóng trên các loại mặt sân cứng và ma sát cao, nơi bạn có thể loại bỏ nỗi lo trượt vỏ chuối do sân nhiều bụi, nhưng cũng là nơi khiến những đôi giày mỏng manh như Kobe 9 có thể bay sạch mặt đế chỉ sau vài bước chạy của bạn. Không dài dòng nữa, bắt đầu thôi!
Lưu ý: Bài viết chỉ áp dụng cho các loại giày chính hãng, do giày fake có rất nhiều nguồn và chất lượng không được đảm bảo, cho nên không có điều gì bảo chứng rằng đôi giày fake của bạn sẽ bền lâu nếu bạn chọn theo các kinh nghiệm được chia sẻ trong bài này.
1. Các loại chất liệu đế giày
Cách đầu tiên để biết được rằng đôi giày của bạn có phải là một đôi outdoor tốt, đó là chất liệu của đế ngoài (outsole). Chất liệu là thứ quyết định tới 80% độ bền của đế, cho nên cũng là phần quan trọng nhất khi nâng lên đặt xuống một đôi giày.
Đa số các hãng giày ngày nay cung cấp 2 loại đế ngoài chính đó là đế cao su đặc (solid rubber) và đế cao su trong (translucent rubber), ngoài ra, còn rất nhiều công thức chế tạo đế ngoài khác đến từ các nhà sản xuất được quảng cáo là giúp chúng bền hơn để cho chúng ta thỏa thích banh bóng mà không nơm nớp lo sợ việc “bay đế’ sau chỉ vài trận.
Một số kinh nghiệm chọn chất liệu đế giày:
– Đế cao su trong (đặc biệt là đế gum):
Nổi tiếng là loại đế giày “shitty” khi chơi indoor do khi bám bụi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ bám, nhưng lại là một trong những loại vật liệu siêu bền khi bạn cày outdoor. Cho nên là, nếu có điều kiện, hãy chọn ngay cho mình đôi giày với đế cao su trong để cày cuốc, và bạn sẽ thấy nó xứng đáng từng xu.
Một số giày outdoor tốt nhờ trang bị đế trong: Lebron 12, (13 , 14 — một số ý kiến cho rằng các dòng giày Lebron mới chưa thực sự bền khi đánh outdoor), Lebron Soldier 10 các dòng Jordan 29 30, Kobe venomenom 5, KD trey5 IV, adidas D.Rose 5, 6…
Nike Lebron Soldier 10 — trùm cày outdoor nhờ bộ đế gum siêu bền
– Đế cao su đặc:
Tuy cao su trong rất thần thánh trong việc chống bào mòn, nhưng không có nghĩa là cao su đặc sẽ vô dụng ở sân outdoor. Các công nghệ thần thánh của các hãng luôn hướng đến việc khiến cho cao su đặc có thể bền hơn trên mặt sân outdoor. Vì cơ bản, đôi giày đế cao su đặc luôn có giá rẻ hơn cao su trong, và ai cũng biết, đa phần các thanh niên chơi outdoor đều có túi tiền chả dư dả gì. Các công nghệ có thể kể đến như: XDR (Xtra Durability Rubber) của Nike, hay đế cao su của Continental ưu ái dành cho adidas với độ bền ngang ngửa lốp xe đua, hay độ bền đáng kinh ngạc trên các dòng giày outdoor của Peak. Tất cả đều rất tuyệt vời.
Một vài dòng giày outdoor tốt sở hữu bộ đế cao su đặc: Nike Lebron Soldier 9, Nike Hyperrev 2015, 2016, Nike zoom Run the one, Nike KD trey5 I, II, III, IV, Nike KD7, Peak Monster, adidas D.Rovse 773, adidas D. Lillard 2…
Một vấn đề của các loại đế chuyên outdoor, là đế giày sẽ cứng hơn một chút, đôi khi khiến cảm giác chân của bạn không được mượt mà cho lắm
Tag XDR, sự bảo chứng cho độ bền siêu hạng trên các đôi giày Nike
2. Thiết kế vân đế — Traction
Xong công cuộc chọn chất liệu đế rồi, thì đến lượt vân đế lại là một thứ tiếp theo cần lưu ý, thế vân đế như nào là tốt?
Không giống như bóng rổ sàn gỗ bóng lộn, các mặt sân outdoor mặc nhiên đã sở hữu độ ma sát đáng nể. Tuy nhiên, một vấn đề của sân outdoor, đó là lượng bụi cát luôn luôn rất lớn, do đó, nếu một đôi giày dù chất liệu rất oke, nhưng thiết kế vân đế không đủ tốt, thì khả năng bị trượt của bạn vẫn cao như thường mà thôi. Vậy vân đế như thế nào là oke?
Một số điểm cần lưu ý khi chọn vân đế để tránh tình trạng trượt do bụi, đó là bạn phải chọn những đôi giày có khoảng cách giữa các đường vân lớn, để nếu như bụi có dính vào, cũng không bị mắc kẹt trong vân đế khiến cho độ bám của đôi giày giảm đi. Thứ hai, đó là vân đế đó phải đủ dày và to, để có thể chịu được sức mài mòn trong thời gian dài mà vẫn còn đủ để duy trì độ bám. Nếu chọn vân đế quá mỏng, chắc chắn nó sẽ bị hao mòn nhanh hơn rất nhiều.
Khoảng cách vân đế khá lớn, nhưng vân đế mỏng khiến cho Kyrie 2 mặc dù sở hữu độ bám “chết người” vẫn không phải là một đôi giày outdoor thực sự bền bỉ
Cao su cứng, cùng với vân đế hỗn hợp với độ dày rất vừa phải, Kobe Mentality 2 là một sự lựa chọn rất tốt với tiêu chí: Ngon, bổ, rẻ
Trên đây là một số kinh nghiệm ít ỏi của mình tích cóp được trong khoảng gần 1 năm chăm chỉ xem review giày ở các kênh Youtube nước ngoài. Về mặt trải nghiệm thì mình không dám nói nhiều do thực sự cũng ít có cơ hội được thử nhiều dòng giày, chủ yếu là nhờ quan sát cũng như xem giày của mọi người xung quanh để đưa ra đánh giá của cá nhân, nên chắc chắn sẽ còn một số thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía các chuyên gia ^^