Ban đầu từ thuở sơ khai, người ta lấy 1 mảng gỗ nguyên làm cốt vợt bóng bàn. Sau 1 thời gian, người ta lại thấy nên ghép lại nhiều miếng gỗ mỏng sẽ có độ nẩy đều hơn và vợt nhiều lớp ra đời. Tuy vậy, có thể đã có 1 ông tưng tửng nào đó suy nghĩ rằng có thể ghép các miếng gỗ lại nhưng ngược sớ gỗ với nhau sẽ hạn chế hơn nữa việc bóng nẩy khác nhau trên bề mặt của cây vợt. Thế là từ đó, người ta mới dùng 1 lớp gỗ có sớ dọc để ở chính giữa, rồi ép 2 lớp mỏng 2 bên có sớ ngang, sau đó mới ép tiếp 2 lớp gỗ có sớ dọc làm 2 mặt chính của chúng ta ngày nay. Và cũng vì vậy, số lượng các lớp gỗ của 1 cây vợt bao giờ cũng là số lẻ : 1,3, 5, 7, 9.
Thông thường, các thông số chế tạo cơ bản của cốt vợt gồm có:
1) Độ nảy: Nảy càng nhiều thì bóng đi càng nhanh, nhưng sẽ hy sinh độ kiểm soát trong một chừng mực nào đó, phù hợp cho lối đánh tấn công nhanh, rất phù hợp cho mút gai công và phản xoáy.
2) Độ bám: Bám càng nhiều thì càng dễ tạo xoáy, phù hợp cho kỹ thuật đánh mút xoáy biến hóa, nhưng không phù hợp lắm cho mút gai công và phản xoáy.
3) Cảm giác tiếp xúc bóng (từ cứng đến mềm): Cảm giác mềm hỗ trợ tốt kỹ thuật giật biến hóa xoáy, cảm giác cứng phù hợp cho kỹ thuật bạt/giật bạo lực và tốc độ. Cần lưu ý cảm giác cứng không nhất thiết đi đôi với độ nảy cao, ví dụ cốt Dynapower 9 lớp rất cứng nhưng khá đầm, rất phù hợp với lối phòng thủ cắt bóng bằng mút phản xoáy truyền thống.
4) Độ kiểm soát (từ dễ đến khó): Thường tỉ lệ nghịch với độ nảy. Tuy nhiên, một số công nghệ mới có thể tăng độ kiểm soát một cách tương đối mà không phải hy sinh độ nảy, chẳng hạn như công nghệ Relfex PAT System của TSP.
5) Độ cong của quỹ đạo bóng (cầu vòng ít hoặc nhiều): Quỹ đạo bóng cầu vòng nhiều cho phép thi triển kỹ thuật giật bóng chậm dưới mặt bàn, quỹ đạo bóng phẳng hơn thì hỗ trợ lối đánh tấn công nhanh cận bàn.
Khi chọn cốt vợt, chúng ta có thể xem catalogue để tìm hiểu xem cốt vợt được làm bằng những lớp gỗ gì để hiểu rõ thông số cơ bản của cốt vợt. Một số loại gỗ và vật liệu thông dụng hiện nay gồm có:
* Gỗ Ayous: trọng lượng nhẹ, chắc thịt, đánh đôi công cận bàn rất xuất sắc.
* Gỗ Koto: thường dùng ở lớp ngoài cùng để tăng độ cứng và độ nảy.
* Gỗ Bass: phổ biến nhất vì giá thành thấp và có độ kiểm soát cao.
* Gỗ Limba: cảm giác mềm, bám bóng và độ kiểm soát cao, là loại gỗ chế tạo vợt truyền thống cho vdv Châu Âu ưa chuộng kỹ thuật giật bóng xa bàn.
* Gỗ Cypress (còn gọi là Hinoki): là loại gỗ chế tạo vợt truyền thống cho vdv Châu Á ưa chuộng kỹ thuật tấn công nhanh, cảm giác mềm, tốc độ khá cao.
* Gỗ Planchonello: thường dùng ở lớp ngoài, để tăng tốc độ bóng, hỗ trợ trường phái tấn công “bạo lực”.
* Gỗ Yellow Aningre: có độ kiểm soát rất tuyệt, cảm giác mềm, phù hợp với trường phái công thủ toàn diện (all-round).
* Chất liệu phụ gia Carbon: nhằm gia tăng tốc độ.
* Chất liệu phụ gia Arylate: nhằm mở rộng vùng hồng tâm chuẩn xác trên mặt vợt.
Một số cốt vợt còn được đặt tên theo cấu trúc lớp gỗ. Ví dụ: Hai cốt vợt Butterfly là Senkoh-LAK (tức là Limba, Ayous, Koto) và Senkoh-HCK (tức là Hinoki, Carbon, Koto) đều có tên là Senkoh nhưng phục vụ hai lối đánh hoàn toàn khác nhau.
Xuất phát từ những thông số chế tạo nói trên, cốt vợt sẽ có các thông số chiến đấu một cách tương ứng, mà khi đánh thử chúng ta nên lưu ý đánh giá như sau. Kèm theo từng thông số, mình nêu ra ví dụ so sánh giữa mấy cốt vợt thông dụng để ace có thể liên hệ ra thực tế dể hiểu hơn.
1) Khả năng giật bóng chậm dưới mặt bàn:
Butterfly Timo Boll Spirit (tốt nhất theo thứ tự từ trên xuống)
Spintech CarboTouch
Stiga Oversize Offensive
Butterfly Cofferlait
2) Khả năng giật bóng phát lực mạnh:
Stiga Oversize Offensive
Spintech CarboTouch
Butterfly Timo Boll Spirit
Butterfly Cofferlait
3) Khả năng chặn đẩy và đôi công:
Stiga Oversize Offensive
Spintech CarboTouch
Butterfly Cofferlait
Butterfly Timo Boll Spirit
4) Khả năng cắt và gò bóng:
Butterfly Timo Boll Spirit
Stiga Oversize Offensive
Spintech CarboTouch
Butterfly Cofferlait
5) Khả năng chụp (block) bóng:
Spintech CarboTouch
Butterfly Cofferlait
Butterfly Timo Boll Spirit
Stiga Oversize Offensive
Như vậy, các bạn có thể thấy một cốt vợt không thể nào tốt nhất về mọi mặt. Do đó, lối đánh của vdv cần cái gì nhất ở cốt vợt thì phải lấy đó làm ưu tiên chọn lựa.
Chúng ta cũng nên lưu ý các thang đo thông số của cốt vợt do các hãng sản xuất là khác nhau, do vậy muốn đánh thử so sánh thì nên bắt đầu trước với một nhà sản xuất. Sau khi chúng ta quen thuộc với việc so sánh các thông số chuẩn của một hãng rồi thì mới nên thử nghiệm sang các hãng khác, để tránh bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Một kinh nghiệm thực tế, ace hãy nên tự tin vào cảm giác tay của chính mình. Những thông số chế tạo và thông số chiến đấu chẳng qua có thể giúp chúng ta thu hẹp danh sách binh khí thử nghiệm (để tiết kiệm thời gian và tiền bạc), nhưng chúng ta không nên chạy theo nhà sản xuất để mà phải gượng ép bản thân trong khi luyện kỹ thuật và đấu pháp, thì mất hết hứng thú…
“PULSER-FL”
– Pulser : là tên của loại cốt , có thế lấy theo tên người chơi bóng bàn nổi tiếng ,có trường hợp là 1 tính từ mạnh dùng để nhấn mạnh tính cốt năng vợt …
– FL : chỉ loại hình dạng cán cầm , cụ thể FL (cán loe, đuôi cá)
ST (thẳng)
AN (lượn , hơi lồi ở giữa)
A = ARYLATE
C = CARBON
W = WOOD
K = KEVLAR
GF = GLASS FIBER